50 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH PARIS: DẤU SON LỊCH SỬ KHÔNG BAO GIỜ PHAI

 
Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao của nhân dân Việt Nam nói riêng; nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới nói chung. Năm mươi năm đã trôi qua nhưng những bài học về tinh thần đoàn kết quốc tế và độc lập tự chủ vẫn còn nguyên giá trị.
Hiệp định Paris là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, với những điều khoản quan trọng. Từ đó, mở ra bước ngoặt trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris diễn ra đầy cam go, kéo dài 4 năm 8 tháng 16 ngày với 202 phiên công khai, 36 phiên gặp riêng bí mật, với 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22-1-1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức.
Hội nghị Paris cũng được mệnh danh là cuộc đàm phán ngoại giao kiên trì, bền bỉ nhất thế kỷ XX; là đỉnh cao nghệ thuật về ứng xử trong quan hệ quốc tế, kết tinh từ những thực tiễn đầy sáng tạo trong đàm phán của những thời kỳ trước đó: Một mặt, thể hiện thiện chí, chấp nhận nhân nhượng đúng lúc, tranh thủ dư luận quốc tế, giữ vững đoàn kết quốc tế và tác động vào nội bộ đối phương; đồng thời, kiên định tư duy độc lập, tự chủ, giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranh, biết bắt đầu và kết thúc đàm phán đúng thời điểm với một hiệp định mở ra cục diện cách mạng mới ở miền Nam Việt Nam với “mấu chốt là quân Mỹ phải ra, quân ta ở lại”. Nghệ thuật đàm phán của phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris đã được cố vấn Tổng thống Mỹ lúc đó là Kissinger đánh giá: “Những nhà đàm phán Việt Nam khi đã thắt thì họ biết thắt rất chặt, và khi muốn mở thì cũng biết mở khéo để đi vào thương lượng thực chất”.
Có thể khẳng định, cuộc đàm phán Paris và Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và là thành công lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Đây là dấu son lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay:
Trước hết, là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng.
Thứ hai, là bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Thứ ba, là bài học về tầm quan trọng của thực lực. Bác Hồ dạy: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế; sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán.
Thứ tư, là bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Để vượt qua những thách thức lớn, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương cách cực kỳ quan trọng, bảo đảm thắng lợi. Cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta thắng lợi vì đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Thứ năm, là bài học về xây dựng lực lượng. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao đã trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán. Cùng với sự chỉ đạo sát sao, Đảng và Nhà nước ta đã chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia hai đoàn đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Hội nghị Paris (1968 - 1973) mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son lịch sử không bao giờ phai. Kỉ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023), chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa của văn kiện lịch sử đặc biệt này. Những bài học lịch sử về nêu cao tinh thần độc lập và đoàn kết quốc tế mãi còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
--
Theo Ban Tuyên Giáo Trung Ương

Thực hiện: 

Mai Hương

Nguồn: 

Ban Tuyên giáo Trung ương

Viết bình luận

Xem thêm tin tức