Ngày 22/6/2022, UBND quận Hà Đông đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn quận. Theo kế hoạch, Quận phấn đấu hết năm 2025, tối thiểu 80% TTHC thuộc thẩm quyền của UBND quận và UBND các phường đủ điều kiện để cung ứng trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 100% TTHC được xác định đủ điều kiện theo quy định pháp luật và các điều kiện kỹ thuật được cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thêm 20% số lượng TTHC được tinh gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và tiết giảm ít nhất 50% chi phí. Đảm bảo đến năm 2025, trên 80% TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% số với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.
Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiện nay trên địa bàn Quận vẫn còn hạn chế, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Theo thống kê của Bộ phận Một cửa của UBND Quận, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công mức độ 3, 4 cấp quận là: 4316/9074, tỷ lệ 47,56%. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công mức độ 3, 4 cấp phường là: 9152/39193, tỷ lệ 23,35%.
Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử trên địa bàn Quận.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; hình thành cơ sở dữ liệu, phục vụ tra cứu và xác thực hồ sơ điện tử một cách nhanh chóng; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của đội ngũ công chức các cơ quan hành chính nhà nước được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu trước đây muốn đăng ký thủ tục hành chính phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thì nay, với phương thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, mọi việc liên quan đến thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm.
Trước những lợi ích thiết thực mà dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mang lại, thiết nghĩ người dân nên tích cực tham gia thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Thực hiện:
Mai Hương
Viết bình luận